Để thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn (Bài 2): Chỉ riêng ngành Thể thao là chưa đủ

VHO - Asian Games 19 với sự tham gia tranh tài của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực được xem là dịp quan trọng để giới chuyên môn có cái nhìn tổng thể về sự phát triển của thể thao châu Á.

Để thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn (Bài 2): Chỉ riêng ngành Thể thao là chưa đủ - Anh 1

 Xạ thủ Phạm Quang Huy cho biết, việc được tập luyện trong trường bắn hiện đại đã giúp anh nâng cao thành tích

 Không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, cũng xem đây là dịp để nhìn nhận rõ mình đang đứng ở đâu trong bản đồ của thể thao đỉnh cao châu lục.

Dùng SEA Games là bàn đạp cho Asian Games

Kết thúc Asian Games 19, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan đã bỏ qua đấu trường SEA Games để tập trung vào Asian Games thì Thể thao Việt Nam vẫn bằng lòng ở đấu trường khu vực để rồi “rớt dài” trên đấu trường châu lục. Thực tế có đúng như nhận định nêu trên?

Tại SEA Games 32, Thái Lan tham dự Đại hội với thành phần gồm 877 VĐV, tranh tài ở 38 môn thi đấu, đứng thứ 2 toàn đoàn, giành 108 HCV, xếp sau đoàn Việt Nam. Indonesia tham gia Đại hội với 599 VĐV tranh tài ở 31 môn, xếp thứ 3, giành 87 HCV. Malaysia tham gia Đại hội với 677 VĐV, giành 34 HCV, đứng thứ 7. Philippines đứng thứ 5 với 840 VĐV, tranh tài ở 38 môn. Singapore đứng thứ 6, với 558 VĐV, tranh tài ở 30 môn thể thao. Trong khi đó Việt Nam dự Đại hội với 702 VĐV, tranh tài ở 38 môn, dẫn đầu Đại hội, giành 136 HCV.

Như vậy trong số các nước kể trên, Thái Lan là nước có lực lượng VĐV dự SEA Games 32 đông nhất (877), tiếp đến là Philippines (840), Việt Nam (702), Malaysia (677), Indonesia (599), Singapore (558) và Việt Nam là nước có thành tích vượt trội với 136 HCV. Các con số trên cũng cho thấy rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á không hề bỏ qua SEA Games mà vẫn rất chú trọng đến đấu trường này, tương tự như việc muốn học Đại học thì phải qua THPT, muốn học THPT thì phải học THCS vậy. Chủ trương dùng SEA Games làm bàn đạp để tiến ra đấu trường châu Á và thế giới của các nước cũng tương tự như chiến lược của Thể thao Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy hầu hết các VĐV đỉnh cao của Đông Nam Á đều trải qua đấu trường SEA Games và coi đây là đấu trường quan trọng trong sự nghiệp. Đơn cử như võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan), bắt đầu được biết đến với chiếc HCB SEA Games 2013. Đến nay cô đã là nhà vô địch Olympic Tokyo 2020, 2 lần lên ngôi vô địch giải thế giới, 2 lần đoạt HCV tại 2 kỳ Asian Games liên tiếp, gần đây nhất là Asian Games 19. VĐV bắn súng đem về 2 HCV cho Indonesia tại Asian Games năm nay là Muhammad Sejahtera Dwi Putra trước đó cũng giành HCV tại SEA Games 31, 32.

Lực sĩ cử tạ Rahmat Erwin Abdullah vừa mang về chiếc HCV cho cử tạ Indonesia tại Asian Games 19 trước đó cũng vô địch 3 kỳ SEA Games liên tiếp. VĐV đoạt chiếc HCV ở cự ly tốc độ 200m tại Hàng Châu (Trung Quốc) vừa rồi là Shanti Pereira (Singapore) cũng trưởng thành từ đấu trường SEA Games với 4 HCV tại 3 kỳ Đại hội. “Thần đồng” điền kinh Thái Lan Puripol Boonson vừa giành HCB nội dung 100m nam tại Hàng Châu, từng trình diện Đông Nam Á và giành tới 3 HCV tại SEA Games 31, tổ chức tại Việt Nam.

Để thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn (Bài 2): Chỉ riêng ngành Thể thao là chưa đủ - Anh 2

 Muhammad Sejahtera Dwi Putra - Indonesia (giữa) đoạt 2 HCV Asian Games 19 trước đó đã giành HCV tại SEA Games 31, 32

Vì sao Việt Nam kém nhiều nước Đông Nam Á?

Rời khu vực đến châu lục thì sao? Thái Lan dự Asian Games 19 với 929 VĐV, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á ở vị trí thứ 8 Đại hội, giành 12 HCV. Ở vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á, Indonesia dự Đại hội với 423 VĐV, thi đấu ở 30 môn, xếp ở vị trí 13, giành 7 HCV. Maylaysia dự Đại hội với 289 VĐV, tranh tài ở 22 môn, ở vị trí thứ 14, giành 6 HCV. Philippines tranh tài với 388 VĐV, thi đấu 43 môn, đạt vị trí 17, giành 4 HCV. Singapore với 431 VĐV, thi đấu ở 32 môn, đứng ở vị trí thứ 20, giành 3 HCV. Trong khi đó Việt Nam tham dự Đại hội với 332 VĐV, tranh tài ở 31 môn thi đấu. Như vậy về số lượng VĐV, Thái Lan đông gần gấp 3 lần Việt Nam, tiếp đến Singapore, Indonesia, Philippines đều có số lượng VĐV tham dự Đại hội lớn hơn đoàn Việt Nam. Như thế Việt Nam tham dự với số lượng VĐV ít hơn nhiều nước Đông Nam Á nên không có chuyện, Đoàn đi đông nhưng thành tích không bằng ai.

Phân tích về số môn mang về huy chương cho các nước thì có thể thấy Thái Lan đoạt 12 HCV, trong đó 2 từ môn golf, 1 từ môn eSports, 3 từ môn thuyền buồm, 4 từ môn cầu mây; Malaysia 6 HCV, trong đó 1 từ môn cưỡi ngựa, 1 từ môn thuyền buồm và 3 từ môn Squash; Singapore 3 HCV trong đó có 2 chiếc từ môn thuyền buồm...

Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 - Cục Thể dục thể thao, các nước trên đoạt khá nhiều HCV ở các môn được đầu tư mạnh về kinh phí như đua thuyền buồm, cưỡi ngựa trong khi Việt Nam chưa thể có điều kiện để phát triển các môn này nên không thể “đua” với các nước. Thể thao thành tích cao cần có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn. Thái Lan đã đủ điều kiện về cơ sở vật chất để đăng cai 4 kỳ Đại hội lớn nhất châu lục, Indonesia cũng đăng cai Đại hội năm 2018 còn Singapore đã đăng cai Olympic trẻ trong khi điều kiện về cơ sở vật chất của Việt Nam còn hạn chế, chưa đủ thực lực để đăng cai các đại hội thể thao lớn.

Trong điều kiện thực tế của đất nước hiện nay, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, song nguồn lực của chúng ta dành cho thể thao thành tích cao còn hạn chế. Cơ sở vật chất thiếu thốn, cũ kỹ, lạc hậu, điều kiện tập luyện, lực lượng chuyên gia, HLV, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong đào tạo VĐV trọng điểm ở nước ta còn thua kém so với nhiều nước trong khu vực nên thành tích đạt được chưa thể như mong muốn.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt, mặc dù đã có định hướng tập trung cho đấu trường Asian Games, Olympic nhưng trong tổ chức thực hiện chủ trương đó trên thực tế còn chưa đạt yêu cầu. Đầu tư chuyên gia về tâm lý thể thao chưa thể thực hiện. Đội ngũ chuyên gia khoa học huấn luyện và trang thiết bị khoa học để hỗ trợ ban huấn luyện giải quyết các bài toán về thành tích còn nhiều hạn chế.

TS Huỳnh Trí Thiện, ngành Quản lý thể thao, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết, việc phát triển thể thao thành tích cao ở Thái Lan không phải là câu chuyện của riêng ngành thể thao. Chẳng hạn như nhà nước thì có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao. Các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tại Thái Lan cũng hoạt động mạnh, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho thể thao.

“Một yếu tố quan trọng để phát triển thể thao thành tích cao mà tôi đặc biệt ấn tượng ở Thái Lan là họ có hệ thống thể thao học đường rất bàn bản, khoa học. Ở các cấp học đều có hệ thống thi đấu các giải, từ đó giúp tuyển chọn tài năng. Thái Lan cũng có hệ thống cơ sở vật chất đủ điều kiện tại các trường, các địa phương phục vụ cho việc tập luyện của các VĐV. Khi lên cấp đội tuyển, sự chung tay của nhiều phía, từ các Liên đoàn, Hiệp hội, các doanh nghiệp, đội ngũ khoa học… đã giúp cho các VĐV có thể cải thiện thành tích thi đấu. Theo tôi, muốn thành tích của thể thao Việt Nam được cải thiện thì chúng ta cần một chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia, chứ riêng ngành thể thao thì không thể giải quyết được”, TS Huỳnh Trí Thiện nhấn mạnh. 

 Với các VĐV thể thao đỉnh cao như chúng tôi, nếu được tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thành tích sẽ được cải thiện. Rất may mắn, trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã được cải tạo, nâng cấp phục vụ SEA Games 31. Đây là trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Được tập luyện trong trường bắn mới, hiện đại đã giúp cho chúng tôi nâng cao thành tích và thi đấu tốt hơn tại Asian Games 19.

(Xạ thủ PHẠM QUANG HUY)

THU SÂM; ảnh: CỤC THỂ DỤC THỂ THAO

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc